Học
Trích từ FB Giang Nguyễn (https://www.facebook.com/giang.b.nguyen.73)
------------------------------------------OOOO---------------------------------
Ai cũng hỏi học để làm gì? Nhưng không mấy ai tìm được
câu trả lời rốt ráo. Ai cũng hiểu một điều: nếu không đi học thì cũng chả làm
được gì, nhưng không mấy ai hiểu có đi học mãi cũng chưa chắc đã làm được gì.
Tôi nhớ mãi câu đại tá William Ludlow, vị cha vĩ dại của ba
cậu con trai Alfred, Tristan, và Samuel trong bộ phim Legend of the Fall nói với
cha mẹ của Isabel Two, người thầm yêu thần tượng Tristan dũng mãnh và sau này
trở thành vợ anh, rằng: học để Isabel có cuộc sống giàu có hơn và đầy đủ hơn.
Câu nói ấy hàm chứa nhiều ẩn ý. Thứ nhất, người có học sẽ có
cuộc sống giàu có và đầy đủ hơn về vật chất so với người không chịu học. Thứ
hai, người có học có cuộc sống giàu có và đầy đủ hơn về tinh thần. Câu ấy được
nói ra từ những năm Đệ Nhị Thế Chiến, trong một bộ phim có nhiều hư cấu, nhưng
có lẽ tóm tắt cô đọng ý nghĩa của việc học. Cho nên khi có ai hỏi tôi học để
làm gì, tôi thường mượn lời đại tá Ludlow trả lời.
Ngày nay có lẽ tưởng chừng không mấy ai đi hỏi câu học để
làm gì, mà ai cũng cắm đầu học. Mục đích đơn sơ nhất của việc học là để biết
cái chữ, ký được tên mình vào giấy khai sinh cho con, đọc được bài báo khuyến
nông, và viết được cái đơn kêu oan mất đất. Học để thoát đi cái nghèo truyền kiếp
của miền quê sỏi đá, thoát đi cái cảnh nối nghiệp cha ông làm nghề chài lưới
luôn nơm nớp bị bọn tàu lạ đâm chìm làm mồi cho cá kình biển cả, và để thoát khỏi
cái vòng u uất luân hồi của sự tăm tối.
Ai cũng nói mục đích cao cả nhất của việc học là để làm người.
Tôi không đồng ý hoàn toàn với cách suy nghĩ này. Vì sao lại thế? Tôi thấy khi
toàn thể nhân loại này chưa biết tới cái trường học là gì, con người ta có lẽ sống
nguyên thủy hơn, con người hơn. Con người ta khi chưa có học biết kính sợ, biết
nương nhờ vào thiên nhiên, biết lắng nghe muông thú, và biết nhóm lửa đêm đông.
Nếu ai xem bộ phim Đến Thượng Đế Cũng Phải Cười thì thấy anh
Xixo đi lang thang trong hoang mạc Kalahari để tìm nơi trả cái vỏ chai Cocacola
rơi từ trên trời xuống (thực chất là một tay phi công uống rồi vứt xuống) làm mọi
người trong bộ tộc anh bất hòa vì xuất hiện tư hữu. A đi mãi và ra gần thành phố
nơi thật phức tạp và con người ta phải học đến 16 năm rồi 20 năm thì mới thành
con người thích nghi và sinh tồn nổi ở chính nơi minh sinh ra. Anh Xixo chưa một
ngày đi học nhưng anh thật hiền lành và nhân hậu. Anh đúng là một con người có
tấm lòng cao cả. Ai dám nói anh Xixo không phải là người nào?
Học là để thành người ư? Mục đích cao cả của việc học là thế
nhưng mấy ai đạt được. Có lẽ ngày nay người ta quên mất tôn chỉ khởi nguyên của
việc học này. Hình như người ta đi học là để ganh nhau cái chữ. Con nhà người
ta ăn học thế kia thì con nhà mình cũng phải học cho kỳ được. Học là để sinh tồn
dài lâu hơn trong một sinh quyển nhân tạo mà nếu không có cái học phù hợp với từng
cấu phần của sinh quyển ấy thì về quê mà cày ruộng hay kiếm đôi xương sườn bò
mà đi ra Cổ Nhuế nhập hội hót phân. Thế nên mới có câu: Thanh niên Cổ Nhuế xin
thề, chưa đầy hai sọt chưa về quê hương! Ngày nay ruộng hết, phân hiếm thì chỉ
còn đường đi ăn cướp.
Học là để thành người là chưa đúng hoàn toàn mà học là để
thành người tốt hơn chứ không như bọn có học nhưng hành xử ác hơn loài cầm thú.
Chúng bòn rút tiền tài của dân, vu oan giá họa, ngậm máu phun người, ức hiếp
dân lành. Đó là cái bọn có học nhưng học hành không tới nơi tới chốn. Bọn này học
thì ít mà hít thì nhiều. Chủ yếu học lấy bằng cấp để thăng quan tiến chức, bằng
cấp thì toàn nhờ bọn học thật viết hộ luận án mà thành. Đi học thì không chọn
sách mà đọc, đi thi mà không chọn bài mà làm, mà toàn bọn học thuộc lòng nguyên
tắc: hãy chọn giá đúng! Chọn được đúng giá, đến được đúng hòm thư mà gửi sầu
tím thiệp hồng là đời lên hương.
Thế thì học là để làm ông nọ bà kia, giáo sư tiến sĩ hay
tiên sư giáo sĩ?
Tôi thấy nếu học để làm ông nọ bà kia thì là đi học mì tôm
còn học để chỉ cốt làm giáo sư tiến sĩ là học gạo, mà học để rồi tiên sư giáo
sĩ là loại học quá khoai. Còn học để làm một người bình thường, làm người sống
có lương tri, học để biết cảm thông, biết phê phán, dám lên tiếng bênh vực công
lý, vạch trần cái giả dối, ác ôn, còn cao cả hơn là học để biết nửa đêm vỗ gối,
ruột đau như thắt, nước mắt đầm đìa trước vận mệnh dân tộc.
Học chỉ đơn giản để làm một người thợ chăm chỉ vặn con ốc
cho đúng quy chuẩn, tiện cái trục xe đạp cho cân, lắp được cái nan hoa cho
đúng. Học để sản xuất được cái máy cày, tự làm được đinh cái vít mà không phải
nhất nhất đều đi mua của thằng hàng xóm cho rẻ cho nhanh, học để làm ra cái dụng
cụ ra đình chứ không phải cứ ngồi đó mà rung cu ra đinh, há miệng chờ sung, học
để sửa cái mặt cầu mà không phải đem đấu thầu quốc tế...Học theo nghĩa này là học
đi đôi với hành.
Lại có ông nói học là để thành triết gia. Xin lỗi, bao nhiêu
ông học để thành được triết gia. Muốn làm được triết gia là nhà người ta có mả
đâu phải cứ học mà thành. Đời thằng triết gia nhục lắm. Nói đúng thì bị dí súng
vào não mà nói sai thì cảm thấy gai đâm vào tâm đau đớn khôn cùng. Dân tộc này
đã chứng kiến bao triết gia bị "chì chiết" cho đến tàn đời hương
khói.
Tôi có thể nói đến sáng mai về ý nghĩa của việc học nhưng
nói mãi cũng thế mà thôi. Tôi chỉ muốn nói là đời ăn học là gian khổ, là hạnh
phúc, là mãn nguyện với người học thật và là cực hình với bọn "học giả".
Với tôi học chủ đơn giản là được đi học, được đọc thêm những
bài văn hay, được nhìn thấy những chiều không gian mới, và được sống trong một
bầu sinh quyển sạch nơi mà nhưng toan tính thiệt hơn, những nỗi lo cơm áo, những
mưu hèn kế bẩn không còn tủa tủa vây quanh.
Và mỗi chúng ta đi học là để biết mình còn vô học!
Tá Điền.
Nhận xét
Đăng nhận xét